Nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mọi công dân nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ sức khỏe để tham gia. Có 22 bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự, bạn có biết chúng là gì không?
Những tiêu chuẩn sức khỏe nào để tham gia nghĩa vụ quân sự
Điều kiện sức khỏe để nhập ngũ Phục vụ trong Quân đội nhân dân là nghĩa vụ cao cả của công dân đối với Tổ quốc. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bằng cách phục vụ tại ngũ hoặc trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Công dân thuộc độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải tuân theo quy định Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Theo Thông tư 148/2018/TT-BQP ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Bộ Quốc phòng, tiêu chuẩn sức khỏe để nhập ngũ được xác định như sau: Chỉ tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Sức khỏe của công dân được đánh giá theo từng mức độ bệnh tật và được chấm điểm từ 01 đến 06 cho 8 chỉ tiêu trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Dựa vào số điểm này, sức khỏe của công dân được phân loại thành 06 loại:
- Loại 1: Đạt điểm 01 cho tất cả các chỉ tiêu;
- Loại 2: Có ít nhất một chỉ tiêu điểm 02;
- Loại 3: Có ít nhất một chỉ tiêu điểm 03;
- Loại 4: Có ít nhất một chỉ tiêu điểm 04;
- Loại 5: Có ít nhất một chỉ tiêu điểm 05;
- Loại 6: Có ít nhất một chỉ tiêu điểm 06.
Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghị lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thì phải đảm bảo tiêu chuẩn riêng theo quy định Bộ Quốc phòng.
Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 bị khúc xạ mắt (cận thị từ 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS. Vậy là, để có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự, công dân phải có sức khỏe thuộc loại 1,2,3; không bị cận từ 1,5 diop trở lên, không bị viễn thị các mức độ; không nghiện ma túy, không nhiễm HIV, AIDS.
Công dân có sức khỏe loại 4,5,6 sẽ không được gọi nhập ngũ. Ngoài ra, để được tuyển quân vào Quân đội nhà nước còn yêu cầu công dân phải đáp ứng cả về độ tuổi, tiêu chuẩn chính trị, văn hóa.
Danh sách 22 bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự theo luật ban hành
Theo quy định trước đây của Thông tư liên tịch 36/2011/TTLT-BYT-BQP ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2011 bởi Bộ trưởng Bộ y tế – Bộ Quốc phòng về việc khám sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ quân sự, có tới 22 bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự. Những bệnh này gồm:
- Có cơn động kinh thỉnh thoảng;
- Tâm thần: Điên cuồng, mất trí nhớ, hoang tưởng (bệnh tâm thần đã điều trị nhiều lần không khỏi);
- Phù thũng kéo dài do các bệnh như: suy tim, viêm thận, thận suy, suy thận mạn tính…;
- Chân voi (do giun chỉ) không thể lao động;
- Chân tay bị tàn phế, biến dạng, mất chức năng chi do bất kỳ nguyên nhân nào;
- Lao xương khớp, lao hạch đang tiến triển;
- Phong chưa ổn định (có loét, sùi, cụt ngón tay, ngón chân);
- Câm hoặc ngọng từ bé;
- Điếc từ bé;
- Mù hoặc chột mắt;
- Run tay chân quanh năm, đi lại khó khăn, không lao động được (như bệnh Parkinson) hoặc chân tay có những động tác bất thường múa giật (Chorée), múa vờn (Athétose);
- Liệt nửa người trái hoặc phải, liệt hai chi dưới;
- Gầy còm, hốc hác, yếu ớt, cơ thể suy kiệt khó có thể phục hồi được do mắc các bệnh mạn tính như lao xơ hang, hen dai dẳng, có biến chứng tâm phế mạn hoặc khí phế thũng, xơ gan cổ trướng;
- Cổ bị cố tật, ngoẹo rõ rệt từ nhiều năm;
- Lùn quá khổ (chiều cao dưới 140 cm);
- Gù có bướu ở lưng do di chứng lao cột sống, chấn thương cũ làm tổn thương cột sống để lại di chứng;
- Tật sụp mi mắt bẩm sinh;
- Sứt môi kèm theo khe hở vòm miệng chưa vá;
- Trĩ mũi (Ozène) có rối loạn phát âm;
- Bệnh khớp có biến dạng teo cơ, cứng khớp;
- Các bệnh lý ác tính;
- Người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, hiện nay Thông tư liên tịch 36/2011/TTLT-BYT-BQP đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định danh mục bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự trong bảng số 3 Phụ lục 1.
Do đó, danh mục 22 bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự trên chỉ mang tính chất tham khảo. Theo quy định pháp luật hiện hành thì có 10 bệnh được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự là những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực, bao gồm:
STT | TÊN BỆNH | MÃ BỆNH ICD10 |
1 | Tâm thần: Tâm thần phân liệt Rối loạn loại phân liệt Rối loạn hoang tưởng dai dẳng Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời Rối loạn hoang tưởng cảm xúc Rối loạn phân liệt cảm xúc Rối loạn loạn thần không thực tổn khác Loạn thần không thực tổn không biệt định | (F20-F29) |
2 | Động kinh | G40 |
3 | Bệnh Parkinson | G20 |
4 | Mù một mắt | H54.4 |
5 | Điếc | H90 |
6 | Di chứng do lao xương, khớp | B90.2 |
7 | Di chứng do phong | B92 |
8 | Các bệnh lý ác tính: Nhóm bệnh u ác tính Nhóm bệnh u tân sinh tại chỗ Bệnh đa hồng cầu Hội chứng loạn sản tủy xương U tân sinh khác không chắc chắn hoặc không biết sinh chất của mô ulympho, mô tạo huyết và mô liên qua | C00 đến C97; D00 đến D09; D45-D47 |
9 | Người nhiễm HIV: Nhiễm trùng và ký sinh trùng trên người nhiễm HIV U ác tính trên người nhiễm HIV Bệnh HIV dẫn đến các bệnh xác định khác Bệnh HIV dẫn đến bệnh lý khác Bệnh do HIV không xác định | B20 đến B24, Z21 |
10 | Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng |
Xem thêm: Giấy Tạm Hoãn Nghĩa Vụ Quân Sự Đại Học
Các trường hợp công dân không được đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự
- Đang trong quá trình xử lý hình sự; đang thi hành án tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã hoàn thành án tù nhưng chưa được xóa án tích.
- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục ở cấp xã hoặc bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi kết thúc các biện pháp nói trên công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.